Meta des: Đôi khi những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh ta đã không còn mấy xa lạ. Nhưng với nghệ thuật hội họa, tất cả những điều đó chính là nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào của người họa sĩ.

Nguyễn Uyên – bút danh Wazza Pink, là một họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh minh họa thiếu nhi dễ thương. Những bức tranh của Pink luôn thể hiện sự độc đáo trong cách sáng tạo hoa văn/họa tiết. Đem đến cho các độc giả nhí là sự mới mẻ trong từng chi tiết. Vậy đâu là nguồn cảm hứng bất tận của Pink? Pink đã vận dụng và sáng tạo nguồn cảm hứng đó thế nào? Hãy cùng chúng mình tìm kiếm câu trả lời qua chút tản mạn của Pink qua bài phỏng vấn sau đây:

Hội họa là thi ca được ngắm thay vì được cảm nhận, và thi ca là hội họa được cảm nhận thay vì được ngắm – Leonardo da Vinci

Chào chị Pink, chúng em rất vui khi chị đã giành thời gian ngày hôm nay để chia sẻ về chủ để mà có lẽ em cùng nhiều bạn yêu thích vẽ minh họa đang khá băn khoăn, bí bách trong việc tìm kiếm ý tưởng sáng tác cho bản thân. Hy vọng qua buổi nói chuyện với chị, tất cả các bạn sẽ có thêm những kiến thức để làm hành trang cho con đường sáng tạo sau này. Vậy trước khi đi vào chủ đề chính, chị có thể chia sẻ một chút về bản thân mình được không?

Pink: Mình là Nguyễn Uyên, mình sinh năm 1994, mọi người thường biết đến mình với bút danh Wazza Pink. Hiện tại thì mình đang là giảng viên minh họa tại Art-Workout. Trước kia, mình biết đến “minh họa” khá muộn, đó là từ những năm 2013. Và từ năm 2014 cho đến nay, mình đã chân chính theo đuổi và phát triển bản thân trên con đường nghệ thuật này.

Quan sát từ những bức vẽ minh họa, có thể thấy rằng các hoa văn/họa tiết được thể hiện vô cùng sinh động trong từng chi tiết. Vậy để có được sự độc đáo ấy, chị đã lấy nguồn cảm hứng từ đâu?

Pink: Mình thường hay để ý những điều nhỏ nhặt. Gân của một chiếc lá, vân của những thớ gỗ, họa tiết trên những chiếc váy tung tang nhảy múa trên phố. Tất cả những thứ vụn vặt đó tạo nên thế giới của mình, thế giới của chất liệu và hoa văn…

Cái lá này thì khác cái lá khác, không có cái nào giống cái nào. Thế giới vốn muôn hình vạn trạng đã là một tác phẩm nghệ thuật đẹp của tạo hóa, vậy tại sao ta không tận dụng chính nó để minh họa lại, biến cái đẹp đẽ kia thành của chúng ta?

Minh luôn tự hỏi, những hoa văn đẹp đẽ trên chiếc lá trong sách tranh nọ, phải chăng do các họa sĩ nước ngoài quá thần kỳ, đã sáng tạo nên sự phong phú mà mình không thể nghĩ ra, không thể theo kịp? Nhưng đó là do kiến thức của mình chưa đủ nhiều, thư viện của mình chưa đủ lớn. Chỉ với một từ khóa đơn giản trên Pinterest, bạn đã có một kho tàng thực vật của riêng mình. Cái hay của một người họa sĩ, đó là họ khác cái máy ảnh ở chỗ không chụp y hệt những sự vật trước mắt, họ thêm vào cái cây cỏ ngoài đời cái hồn của mình, dù chỉ là một hai nét cách điệu, đã thành cây thành lá của mình.

Nguồn cảm hứng sáng tác của Pink xuất phát từ việc quan sát thế giới xung quanh

Đôi khi niềm cảm hứng lại xuất phát từ những thứ đơn giản, quen thuộc trong cuộc sống. Thế nhưng trong mỗi bức vẽ minh họa, từng chi tiết lại được cách điệu theo những phong cách khác nhau, phù hợp với từng bối cảnh, chị đã dựa vào điều gì để có thể đưa tất cả vào một bố cục hợp lí như vậy?

Pink: Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà cái lá gốc có thể biến đổi, không phải lúc nào chi tiết quá cũng là hay. Nếu đứng trong một bối cảnh lớn, cái lá rất nhỏ, có tỉa chi chít cũng không có lợi ích về mặt thẩm mỹ cho tổng thể tranh. Thậm chí ở một số trường hợp còn phản tác dụng vì đánh lạc hướng khỏi cái mà mình muốn nhấn cho tranh, hay làm rối mắt người xem,… Nhưng một số ví dụ khác khi cái lá rất to, là một trong những thành phần chính của tranh, vẽ đơn giản quá lại khiến tranh sơ sài, thiếu chi tiết,… Đó là lúc chúng ta cần suy nghĩ và đặt cái tôi của mình trong từng cái lá, ngọn cây để xem sử dụng tư liệu thế nào cho hợp lý nhất.

Ref : Jane Newland

Ví dụ: Với những tranh như hình thứ nhất, việc tỉa chi tiết gân lá là không cần thiết. Nhưng với những tranh mà lấy cây cối làm chủ đạo hay muốn tạo cảm giác phong phú về màu sắc, việc cách điệu hoa lá và vẽ thật chi tiết là điều cần thiết. Lá cây đã có họa tiết gân phong phú như vậy, thì một cái cây cũng có muôn màu muôn vẻ cách tả khác nhau. Cùng là một bụi cây, có người vẽ tán tròn, có người vẽ tán vuông, có người vẽ tả thực, có người lại cách điệu, có người chỉ vẽ xương cây, có người lại tả từng chiếc lá,…

Pink chia sẻ tiếp: Tuy nhiên, chủ đề thực vật (Botanical) chỉ là một trong số muôn vàn ví dụ về pattern (họa tiết/hoa văn). Có bao giờ bạn từng để ý chiếc áo của bạn có những họa tiết gì không? Một chiếc váy hoa nhí, một cái quần chấm bi, một cái tất kẻ sọc. Mỗi hoa văn cho ta một cảm quan riêng, góp phần cho ta hiểu thêm về tính cách nhân vật…

Cảm giác nghĩ ngợi về một cái hoa văn cho quần áo nhân vật, đôi khi cũng thật vui, cảm giác như quay lại thời bé, khi ta chơi thay quần áo cho búp bê vậy. Một nhân vật cá tính, sẽ chọn một họa tiết đơn giản như họa tiết kẻ, hay mạnh mẽ hơn như họa tiết đầu lâu, hoặc một cái áo trơn màu tối. Một nhân vật điệu đà nữ tính sẽ chọn những chiếc váy họa tiết hoa nhí, chấm bi hay một nhân vật trẻ con sẽ chọn họa tiết dễ thương như mặt gấu, mặt mèo,… Và, có phải pattern sẽ tô điểm cho tính cách của một nhân vật không khi một ông già lại chọn hoa văn trái tim hồng rực rỡ?

Hoa văn/họa tiết là nét văn hóa đặc trưng của từng vùng

Có thể thấy rằng, hoa văn/họa tiết vô cùng phong phú và đa dạng. Không chỉ ở thực vật, đó cũng là nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa từng khu vực, từng tầng lớp địa vị,… phải không chị?

Chính xác, hoa văn/họa tiết cũng nói cho chúng ta biết nhân vật này đang ở đâu? thời gian nào? Bởi lẽ có những hoa văn họa tiết đặc trưng của từng vùng. Nhìn những hoa văn dưới đây, bạn có thể đoán ra thuộc đất nước, thời đại nào không?

Pattern cũng cho chúng ta biết thêm về địa vị của người dùng chúng

Cũng giống như ví dụ về pattern trên thực vật, pattern trên vải cũng tùy mục đích sử dụng mà nên lựa chọn cho hợp lý. Có bao giờ chúng ta mặc một cái áo đầy hoa văn rồi khoác ngoài với một cái áo cũng có hoa văn mật độ tương tự? Nếu có, bạn hẳn có một gu thời trang khá tệ. Còn nếu không, thì bản thân nhân vật chúng ta cũng vậy, cũng không hề muốn một sự kết hợp kinh khủng đó, trừ phi bạn muốn tô điểm đó là một nhân vật luộm thuộm và không biết cách ăn mặc.

Nhiều lúc khi mình vẽ, mình luôn tận hưởng một niềm vui nho nhỏ khi đến giai đoạn chọn pattern cho cái áo của nhân vật mình đang mặc. Để đến được bước này bạn phải trải qua khâu sketch đen trắng, sketch màu, lên mảng cho nhân vật và nó gần như là bước cuối cùng để giúp cho bức tranh của bạn có được sự hoàn thiện tốt nhất. Nhưng đây cũng là môt trong những thước đo để đánh giá độ tinh, chiều sâu trong tranh của bạn. Nếu có thể ví von, thì nó giống như 1 điểm nâng cao trong bài kiểm tra sau khi bạn đã hoàn thành 8-9 điểm phần kiến thức trọng tâm vậy.

Và, điều sau cùng và quan trọng nhất, đó chính là phong cách cá nhân của mỗi người…

Phong cách cá nhân có quan trọng, sẽ thật là tuyệt nếu có người có thể nhận ra được mình là ai khi xem tranh mình vẽ, nhưng mình thấy điều quan trọng hơn là phải dám làm, dám đặt bút vẽ đã. Mình thấy rất nhiều bạn vì sợ trùng lặp phong cách, ý tưởng mà không hoàn thiện nổi bất cứ thứ gì.